Chăm Sóc Răng Miệng Cho Người Cao Tuổi
Chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi là vấn đề cần được quan tâm. Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh có ảnh hưởng đến răng miệng, tuy nhiên không ít người cao tuổi không quan tâm đến vấn đề này.
Thậm chí, có người cao tuổi quan niệm sai lầm rằng khi già thì răng phải rụng và đó là chuyện bình thường. Chính những quan niệm sai lầm và yếu tố tâm lý ngại đi khám răng hoặc sợ các thủ thuật điều trị nha khoa nên các bệnh lý về nha khoa người cao tuổi gặp phải thường trầm trọng hơn so với người trẻ.
Bên cạnh đó, người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến vùng miệng và lúc đó thì những tổn thương vùng miệng lại tác động ngược lại một cách trực tiếp hay gián tiếp lên tình trạng dinh dưỡng, giao tiếp, khả năng đề kháng và chất lượng cuộc sống nói chung.
Những tổn thương răng miệng ở người cao tuổi
- Tổn thương ở răng gồm: mòn, sứt mẻ ở mặt nhai, tủy răng bị xơ teo, dinh dưỡng cho răng kém, mật độ tế bào thưa, răng giòn dễ bị mẻ gãy; tăng tạo xê măng ở chân răng; dễ bị sâu ở chân răng; tụt nướu, giảm tiết nước bọt, khả năng nhai giảm sút… Mòn răng ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân như do quá trình tích tuổi, chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng, uống nhiều nước ngọt có ga.
- Chứng khô miệng: người cao tuổi thường mắc chứng khô miệng. Đó có thể là do tác dụng của một số thuốc điều trị các bệnh lý toàn thân hoặc do xạ trị vùng đầu, mặt, cổ.
Khô miệng rất dễ bị mắc một số bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng miệng, có thể có đau, khó ăn, khó nuốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở người cao tuổi khỏe mạnh, tổng lưu lượng nước bọt không giảm so với trước đây. Song nhiều người cao tuổi vẫn mắc chứng khô miệng. Nguyên nhân là do các bệnh toàn thân, việc sử dụng thuốc và xạ trị gây khô miệng.
- Tổn thương niêm mạc miệng: nếu vệ sinh răng miệng không cẩn thận, thường dẫn tới niêm mạc miệng bị teo mỏng dần, mất tính đàn hồi, dễ bị chấn thương và nhiễm khuẩn. Bệnh toàn thân và việc dùng một số thuốc chữa bệnh có thể làm cho niêm mạc miệng bị tổn thương dạng bóng nước, loét, liken, nhiễm khuẩn và ung thư. Do đó cần khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh niêm mạc miệng ở người cao tuổi.
- Rối loạn chức năng vận động và cảm giác vùng miệng: Người cao tuổi dễ bị rối loạn phản xạ nuốt và vận động cơ miệng. Nhiều người cao tuổi mắc chứng chán ăn, ăn không biết ngon, vị giác suy giảm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở người cao tuổi khứu giác ít bị ảnh hưởng nhưng vị giác lại giảm dần theo tuổi cao. Do không cảm nhận được mùi vị, suy yếu cơ vận động miệng, giảm tiết nước bọt là các yếu tố làm cho người cao tuổi chán ăn, suy dinh dưỡng và gầy yếu.
Xem thêm:
Hướng dẫn chải răng đúng cách phòng ngừa sâu răng
Khám Phá Quy Trình Khám Tổng Quát Răng Miệng Tại KAIYEN
Cách bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài
1. Chế độ dinh dưỡng
Đối với người cao tuổi, các loại rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp nhiều sinh tố cho cơ thể nói chung, cho răng, lợi nói riêng. Thời điểm ăn trái cây tươi tốt là trước bữa ăn chính một tiếng đồng hồ. Chỉ nên ăn bánh ngọt vào bữa ăn, sau mỗi lần ăn phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men tạo ra chất acid phá hủy men răng dẫn đến sâu răng.
Người cao tuổi cần ăn uống bổ sung đầy đủ các chất như: đạm có trong thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu...; các loại trái cây để bổ sung vitamin và muối khoáng giúp cho răng khỏe mạnh. Người cao tuổi cần uống đủ nước và không ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh.
Chế độ ăn uống cân bằng hợp lý, không nên sử dụng quá nhiều thức ăn chế biến sẵn, các thức ăn giàu bột đường và dễ lên men. Kiểm soát chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng tốt sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng thường gặp ở người cao tuổi.
2. Vệ sinh răng miệng
Để có sức khỏe răng miệng tốt, việc chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ rất quan trọng. Nếu đang mang hàm giả tháo lắp thì nên tháo ra khi ngủ, ngâm hàm giả trong nước, hoặc dung dịch sát khuẩn.
Loại trừ mảng bám răng được xem là phương pháp hiệu quả trong dự phòng. Một số người cao tuổi bị tụt nướu lộ mặt chân răng với nhiều hình thể phức tạp như lõm, rãng, khe, có các vùng chia chân răng nên cần đặc biệt giữ gìn vệ sinh răng miệng.
3. Kiểm tra răng miệng định kỳ
Tuổi ngày càng cao thì vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng lại càng được đặt lên hàng đầu. Người cao tuổi nên có kế hoạch điều trị nha khoa một cách triệt để trước khi bước vào tuổi 60.
Những răng bị sâu nên trám lại, nếu mất răng nên trồng lại răng giả mới. Vì càng lớn tuổi sức khỏe càng kém việc đi lại khó khăn, nên điều trị nha khoa triệt để là điều cần thiết ở giai đoạn này. Người cao tuổi cũng nên kiểm tra răng định kỳ 3-6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các bệnh về răng miệng, nhất là bệnh về lợi ở người cao tuổi có thể dẫn đến ung thư niêm mạc miệng.
THÔNG TIN NHA KHOA QUỐC TẾ KAIYEN
Facebook: https://www.facebook.com/nhakhoakaiyenclinic
Hotline: 0813336666
Địa chỉ: 99 Trần Não, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Tham vấn: Chuyên gia BS Nha Khoa KAIYEN