Nướu răng bị trắng: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Nướu răng bị trắng là một biểu hiện bất thường. Tình trạng này có thể phát sinh do nguyên nhân lành tính hoặc ác tính. Vậy nên nếu chưa làm rõ nguyên nhân thì bạn nhất định không nên xem nhẹ.
Nướu răng bị trắng là gì?
Nướu răng bị trắng là tình trạng phần lợi bao quanh răng trở nên sáng màu hơn so với khu vực lân cận. Vấn đề trên có thể đi kèm với tình trạng sưng đau, viêm tấy, lở loét trên bề mặt, phủ màng nhầy hoặc không.
Trong một số trường hợp, nướu răng bị trắng nhưng không nhô lên khỏi kết cấu chung của cung hàm. Bạn cũng có thể bắt gặp trường hợp nướu răng trắng đi kèm với hiện tượng nổi u cục.
Một số bệnh liên quan đến tình trạng nướu răng bị trắng
Nướu răng có vai trò rất quan trọng vì phần nào phản ánh sức khỏe răng miệng. Do đó việc thay đổi màu sắc ở nướu dù là rất nhỏ nhưng vẫn phản ánh được dấu hiệu cảnh báo với sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số bệnh lý có thể liên quan đến tình trạng nướu răng bị trắng.
Bệnh bạch sản
Bạch sản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng nướu trắng. Tuy nhiên bạn hãy yên tâm vì hầu hết các trường hợp này đều vô hại, chỉ có một số trường hợp đặc biệt nghi ngờ là dấu hiệu của tiền ung thư.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch sản hiện chưa được rõ. Tuy nhiên theo một số nhà khoa học, thói quen sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể góp phần không nhỏ gây ra bệnh lý này.
Bệnh thiếu máu
Bệnh thiếu máu xảy ra khi cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nguyên nhân phổ biến đến từ việc thiếu hụt sắt, vitamin B12, bệnh Celiac,… Khi bị thiếu máu, bạn sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như: cảm thấy mệt mỏi, nhịp tim bất thường, chóng mặt, đau đầu, tay và chân lạnh, da nhợt nhạt, nướu răng màu trắng,…
Loét miệng
Loét miệng là tình trạng các tổn thương phát triển trong miệng và trên nướu răng. Có thể gây đau đớn, đặc biệt bạn thực hiện các hoạt động như nói, ăn hoặc uống. Quan sát miệng bị loét, bạn dễ dàng nhận thấy các vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, chính giữa vết loét có vùng màu nhạt (hơi trắng) với một đường viền đỏ. Nếu lở loét xuất hiện trên nướu răng, bạn có thể thấy một số khu vực của đường lợi có màu trắng. Tuy nhiên về tổng thể, chúng không làm thay đổi màu sắc của lợi ở toàn bộ miệng.
Viêm lợi
Đây là bệnh lý rất phổ biến, dấu hiệu thường gặp là nướu bị sưng đỏ, đau nhức. Tuy nhiên có một số trường hợp nướu sẽ chuyển màu trắng khi bị viêm trong một thời gian dài. Bệnh này chủ yếu do vệ sinh răng miệng kém, không thường xuyên hoặc chưa đúng cách.
Bên cạnh dấu hiệu viêm thì từ khu vực bị tổn thương có thể bị chảy máu, chảy dịch. Hơi thở cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, trở nên nặng mùi do vấn đề viêm nhiễm này gây ra.
Nấm miệng
Khi bị nhiễm nấm Candida thì nướu răng chuyển sang màu trắng. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là hình thành các đốm hoặc mảng dày màu sữa, trắng ngà bên trong lưỡi, nướu răng, má, môi. Các dấu hiệu trên có thể kèm theo tình trạng sưng đỏ, khó chịu, nóng rát trong khoang miệng. Khi mảng nấm bong ra rất dễ kéo theo tình trạng chảy máu.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị nấm miệng bao gồm: Người bị suy giảm hệ miễn dịch, người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ sơ sinh,...
Ung thư miệng
Đây là nguyên nhân ác tính gây nướu răng bị trắng. Dấu hiệu cảnh báo đi kèm như vết loét miệng lâu lành, chảy máu trong miệng, xuất hiện u cục, răng lỏng lẻo, khó nhai hoặc nuốt.
Để chẩn đoán chính xác ung thư miệng, bạn cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Sau khi xác thực rõ nguyên nhân, bạn sẽ được lên phác đồ điều trị phù hợp.
Bệnh Lichen Planus
Bệnh Lichen Planus hay còn được gọi là Planen răng miệng. Đây là bệnh gây ra các mảng trắng xuất hiện trên nướu, lưỡi và các mô khác bên trong miệng. Bệnh Lichen Planus là tình trạng tự miễn dịch mạn tính với dấu hiệu bắt nguồn từ các triệu chứng đau, chảy máu và viêm lợi. Bác sĩ khuyên rằng những người mắc chứng này cần đi kiểm tra thường xuyên bởi họ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng, nhiễm khuẩn miệng hay nguy hiểm hơn là bệnh ung thư miệng.
Làm gì khi nướu răng đổi màu trắng?
Khi nướu răng bị trắng, bạn có thể can thiệp theo hai cách sau đây:
Chăm sóc tại nhà
Nếu nướu răng bị trắng do viêm nhiễm thông thường, thiếu máu, hoặc loét miệng thì bạn chỉ cần chú ý đến vấn đề dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày 2 lần, súc miệng bằng nước muối và sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám.
- Ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng nhưng ưu tiên các thực phẩm mát, giàu chất khoáng và vitamin như rau, củ, quả, sữa chua,... Bổ sung thêm sắt trong trường hợp bị thiếu máu.
- Uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên để tăng cường miễn dịch.
- Bôi thoa những sản phẩm giảm sưng, tiêu viêm, giảm đau không kê toa tại nhà.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ với mỗi 6 tháng/lần.
Điều trị y khoa
Việc điều trị y khoa sẽ được áp dụng khi nướu răng bị trắng liên quan đến các bệnh lý đáng ngại như sau:
- Với chứng bạch sản, bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng tiểu phẩu hoặc chiếu tia laser. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ kê thuốc kháng virus với bệnh nhân có sức đề kháng kém.
- Với bệnh lichen thì các triệu chứng sẽ được kiểm soát hiệu quả bằng cách dùng corticosteroids sẽ giúp giảm viêm.
- Với nấm miệng, chuyên gia sẽ kê thuốc kháng nấm dạng nén, dạng viên ngậm hoặc súc miệng.
- Với ung thư miệng thì cần can thiệp phẫu thuật kết hợp với hóa, xạ trị và dùng thêm thuốc điều trị đích.
Khi nào nên gặp nha sĩ?
Nếu bạn nhận thấy các mảng trắng hình thành trên nướu, điều đầu tiên cần làm là bạn nên đặt lịch hẹn với nha sĩ. Vì những mảng này có thể là dấu hiệu của bệnh tiền ung thư, phát hiện sớm là chìa khóa để điều trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ghi lại thời điểm bạn nhận ra các mảng đó để thông tin đến nha sĩ hay bác sĩ phẫu thuật nha khoa của mình.
Việc đặt lịch kiểm tra tổng quát thường xuyên với bác sĩ nha khoa là cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả. Trong khi kiểm tra, nha sĩ có thể phát hiện ra các dấu hiệu ban đầu của chứng bạch sản.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu rõ về nguyên nhân và triệu chứng gây ra bệnh nướu răng bị trắng. Mặc dù hầu hết đều lành tính và không gây ra các vấn đề sức khoẻ quá nghiêm trọng, bạn vẫn nên thăm khám và đến gặp nha sĩ khi phát hiện các dấu hiệu đã nêu trên để có phương pháp điều trị sớm nhất cho mình.
THÔNG TIN NHA KHOA QUỐC TẾ KAIYEN
- Facebook: https://www.facebook.com/nhakhoakaiyenclinic
- Website: https://nhakhoakaiyen.com/
- Hotline: 0818163366
- Địa chỉ: 99 Trần Não, Phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh