Sưng chân răng – Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Sưng chân răng là một trong những biểu hiện của bệnh lý liên quan đến các tổ chức xung quanh chân răng. Về lâu dài, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu, răng dễ bị lung lay và rụng sớm. Vậy nguyên nhân gì gây ra bệnh lý này và có những giải pháp gì để điều trị. Hãy cùng KAIYEN tìm hiểu nhé!
Sưng chân răng là bệnh lý gì?
Sưng chân răng hay viêm chân răng là tình trạng tủy răng hoặc nướu bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng, tạo nên ổ Abscess ở vùng cuống răng. Các tổ chức quanh chân răng bị sưng tấy và viêm nhiễm, thậm chí có mủ là những biểu hiện rõ nét về bệnh lý sưng chân răng.
Về lâu dài, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng và dẫn tới việc răng bị lung lay, gãy rụng hàng loạt. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả với những bé chỉ mới 1 – 2 tuổi.
Nguyên nhân bị sưng chân răng có mủ
1. Sưng nướu răng do viêm (viêm nha chu)
Viêm nướu gây kích ứng vùng nướu, khiến chúng bị sưng đỏ và đau tấy. Các triệu chứng của bệnh lý này ban đầu thường bị xem nhẹ nên không được chữa trị sớm. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn (sưng chân răng có mủ) thì nhiều người mới tìm kiếm các giải pháp điều trị. Trường hợp nặng hơn sẽ gây ra biến chứng viêm nha chu hoặc làm rụng răng.
Viêm nhiễm vùng nướu xảy ra do vệ sinh răng miệng không tốt khiến vi khuẩn và mảng bám thức ăn tích tụ ở các kẽ răng, chúng nằm sâu dưới lợi mà không được loại bỏ hết. Nếu bạn không thường xuyên lấy cao răng thì lâu dần tạo thành các mảng bám cứng rất khó làm sạch bằng việc vệ sinh răng miệng thông thường.
2. Thời kỳ mang thai
Ở thời kỳ mang thai, hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi khá nhiều, điều này làm tăng lượng máu tới nướu khiến chúng dễ bị kích ứng hơn trước. Hơn nữa, sự thay đổi của hormone cũng làm giảm khả năng sản sinh Prostaglandin – một loại axit béo tự nhiên để kháng viêm. Do đó, nguy cơ viêm nướu làm sưng chân răng sẽ cao hơn bình thường.
3. Do thiếu chất dinh dưỡng
Một nguyên nhân khác dẫn đến bệnh lý sưng chân răng là do bạn không nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các loại Vitamin, đặc biệt là Vitamin nhóm B, C đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Khi cơ thể bị thiếu hụt quá nhiều Vitamin C thì rất dễ mắc phải bệnh lý Scorbut khiến chân răng bị sưng tấy.
4. Sưng vùng nướu do nhiễm trùng
Tình trạng sưng chân răng xuất hiện do nấm và vi khuẩn, gây nên viêm lợi răng, nhiễm trùng vùng nướu. Bệnh lý phổ biến dễ gặp phải ở cả người lớn và trẻ nhỏ, có thể xuất hiện ổ mủ ở chân răng, tiến triển thành áp xe răng và sưng nướu răng.
Cách trị viêm nướu răng có mủ cũng sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn mới chớm, do đó cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh bệnh lý tiến triển giai đoạn nặng.
Xem thêm: Cách Điều Trị Viêm Nướu Răng Tại Nhà Hiệu Quả Và An Toàn
5. Bệnh tủy răng
Răng có thể bị sâu, do chấn thương hoặc do nhiễm trùng quanh răng lâu ngày và lan xuống vùng cuống răng khiến phần tủy bên trong bị ảnh hưởng. Vi khuẩn từ lỗ hở đi sâu xuống tủy răng, lỗ sâu càng to càng khiến vi khuẩn dễ dàng thâm nhập và tiếp xúc trực tiếp với môi trường miệng.
Vi khuẩn sẽ xâm nhập từ ngoài vào theo chiều dọc chân răng hoặc chấn thương làm tủy bị sang chấn, lâu dần tủy răng bị nhiễm trùng và chết. Nếu tình trạng viêm tủy răng diễn ra lâu, vết nhiễm trùng lan sâu xuống vùng cuống răng sẽ dẫn đến Abscess ở chân răng và cuống răng. Đây là giai đoạn bệnh đã khá nặng.
Nếu nhiễm trùng ở cuống răng không được điều trị sớm thì ổ viêm sẽ lan rộng lên toàn bộ chân răng, thậm chí lây sang cả các chân răng khác. Cuối cùng lan vào phần lợi xung quanh răng tạo thành ổ mủ, dẫn đến tình trạng bị mất xương hàm, răng lung lay và phải nhổ bỏ. Nguy hiểm là khi vi khuẩn tại túi mủ này di chuyển vào máu, gây nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
6. Viêm lợi khi mọc răng
Đây là tình trạng xảy ra khi trẻ mọc răng, nhưng chỉ có tính chất tạm thời. Quá trình mọc răng khiến cho thức ăn bị tích tụ và tạo nên các mảng bám vi khuẩn. Trong một số trường hợp nặng có thể gây sưng chân răng. Thường xảy ra ở răng số 6 và số 7.
7. Các nguyên nhân khác
Một số trường hợp khác gây bệnh sưng chân răng có thể kể đến như: Răng mọc lệch, răng bị chấn thương khớp cắn, hút thuốc lá, thay đổi nội tiết tố, bệnh tiểu đường, sức đề kháng yếu,…
Quá trình tiến triển của bệnh lý sưng chân răng
Giai đoạn 1: Sưng chân răng ở mức độ nhẹ
Ở giai đoạn này, nó chưa gây đau nhức nhiều nên người bệnh vẫn có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Nếu biết cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách , kết hợp với chế độ ăn uống khoa học thì nướu sẽ nhanh chóng trở lại bình thường mà không cần bất cứ phương pháp nha khoa nào can thiệp.
Giai đoạn 2: Phần nướu lợi bị sưng to
Khi có bất kỳ tác động vật lý nào chạm vào, dù nhẹ cũng gây đau nhức và ê ẩm cho người bệnh. Lúc này, bệnh lý răng miệng đã trở nặng hơn. Do đó, bạn sẽ không thể ăn những loại thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng. Bởi nó sẽ làm kích ứng nướu và gây đau buốt nghiêm trọng hơn. Về lâu dài còn gây chảy máu nướu lợi, sưng chân răng có mủ nên rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Các triệu chứng để nhận biết tình trạng viêm chân răng
- Dấu hiệu thường gặp của bệnh sưng chân răng là đau răng, bị sưng mủ và đau lan ra khắp hàm. Mức độ đau tăng lên khi ăn nhai hoặc không thể nhai bên răng bị đau.
- Lợi ở chân răng sưng to, ửng đỏ và thấy đau khi ấn vào. Vùng mặt ở khu vực răng đau bị sưng, răng đau có thể bị lung lay.
- Có hạch ở dưới hàm hoặc ở cổ. Đau khi ấn vào hạch, sốt, hơi thở có mùi hôi. Mủ có thể chảy ra khi ấn vào.
- Lợi sưng to, phù nề, ấn mềm, đôi khi có mủ ở viền lợi xung quanh răng.
Bị sưng chân răng phải làm sao?
Nếu bạn nhận thấy một trong số những triệu chứng mắc bệnh viêm chân răng, hãy đến phòng khám nha khoa càng sớm càng tốt. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể khiến răng ngày càng yếu đi. Việc thăm khám và tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng sưng viêm. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn việc bị sưng chân răng phải làm sao để chữa trị hiệu quả.
1. Điều trị sưng chân răng tại nhà
Đối với những trường hợp sưng chân răng nhẹ thì có thể xử lý ngay tại nhà bằng cách chăm sóc răng miệng cẩn thận. Dưới đây là cách vệ sinh răng và chế độ ăn uống phù hợp giúp bạn điều trị sưng chân răng ngay tại nhà:
- Đánh răng thường xuyên tối thiểu 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm. Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám thức ăn ở kẽ răng. Lưu ý, bạn nên thực hiện thật nhẹ nhàng để không làm tổn thương nướu.
- Ngậm nước muối là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến cho các vấn đề răng miệng. Bởi nó trung hòa pH trong miệng và làm dịu nướu khi bị viêm.
- Uống nhiều nước để điều tiết lượng nước bọt có khả năng làm vi khuẩn bị suy yếu.
- Không nên ăn các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Không sử dụng đồ uống có cồn hoặc thuốc lá vì chúng gây kích ứng răng nướu.
- Có thể chườm lạnh để giảm sưng chân răng ở vị trí bị sưng đau bên ngoài. Sau đó, nên chườm nước ấm để giảm đau hiệu quả.
Sau khi răng và nướu được làm sạch thì các triệu chứng như sưng tấy hoặc đau nhức sẽ thuyên giảm đáng kể. Luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì tình trạng sưng chân răng dần dần cũng tự khỏi.
2. Điều trị tình trạng viêm chân răng tại nha khoa
Các trường hợp sưng chân răng nặng nếu thực hiện chăm sóc răng tại nhà mà vẫn không thấy hiệu quả thì bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ lên phương án điều trị kịp thời. Dựa trên tình trạng sưng viêm của từng người về thời điểm, tần suất xuất hiện triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mới có thể đánh giá chính xác sức khỏe răng miệng.
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang răng hoặc xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác hơn. Thông thường khi điều trị bệnh lý sưng chân răng, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch sâu vùng nướu bị viêm nhiễm bằng phương pháp lấy cao răng và mảng bám trên răng.
Đồng thời bác sĩ sẽ dặn dò và kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm cho bạn để giảm đau hiệu quả. Đối với các trường hợp sưng chân răng nghiêm trọng có thể phải tiến hành phẫu thuật vùng nướu và xương hàm.
Tình trạng sưng chân răng gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách cùng chế độ ăn uống hợp lý. Đồng thời, bạn nên đến nha khoa để tái khám định kỳ tại 6 tháng/lần để lấy cao răng, tránh để mảng bám lâu ngày rất dễ gây viêm và sưng chân răng.
Tham vấn: Chuyên gia BS Nha Khoa KAIYEN